Lang: ENG
Hotline: 028.6676.7762
icon-phone icon-mail icon-zalo

Các loại virus thường gặp gây ung thư ở người

Năm 2002, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính khoảng 18% bệnh ung thư ở người là do nhiễm virus gây ra và phần lớn là do 7 loại virus gây ra: virus HPV, HBV, HCV, EBV, HHV-8, HTLV, MCV

Năm 2002, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính khoảng 18% bệnh ung thư ở người là do nhiễm virus gây ra và phần lớn là do 7 loại virus gây ra:

1. Virus viêm gan B (HBV):

Virus viêm gan B thuộc họ hepadnaviridae, là một loại virus DNA, nhưng các đặc điểm gây bệnh của nó có nhiều điểm tương đồng với virus viêm gan C. Virus viêm gan B cũng là mầm bệnh lây truyền qua đường máu có thể dẫn đến viêm gan cấp tính và mãn tính. Viêm gan mãn tính làm nhiễm trùng kéo dài hơn ba tháng, có thể dẫn đến xơ gan và suy gan. Nhiễm trùng mãn tính cũng có thể dẫn đến sự phát triển của ung thư biểu mô tế bào gan. 

Theo Tổ chức y tế thế giới (World Health Organization = WHO) Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm HBV cao nhất thế giới 15% - 20%, tức khoảng 10 -14 triệu người. Hiện tại HBV có 8 kiểu gen là A, B, C, D, E, F, G, H trên thế giới, trong đó Việt Nam chủ yếu nhiễm kiểu B và C.

Viêm gan B thường lây nhiễm qua đường tình dục, từ mẹ sang con, khi tiếp xúc với máu, các vật phẩm của máu hay dịch tiết của người bị nhiễm HBV.

                                    

                                                                        Hình: HBV gây viêm gan B

2. Viêm gan C (HCV)

Virus viêm gan C là một loại virus kiểu gen RNA có vỏ bọc thuộc họ flavivirus. Nó có khả năng gây viêm gan cấp tính và mãn tính ở người bằng cách lây nhiễm vào tế bào gan. Người ta ước tính có khoảng 3% dân số thế giới mang mầm bệnh viêm gan C. Nhiễm virus viêm gan C mãn tính dẫn đến xơ gan, từ đó có thể dẫn đến ung thư biểu mô tế bào gan nguyên phát. Từ 1-2% bệnh nhân mắc bệnh xơ gan sau đó sẽ phát triển ung thư biểu mô tế bào gan nguyên phát mỗi năm. 

Con đường chính lây truyền virus thường qua đường máu, dùng chung kim tiêm khi lạm dụng ma túy qua đường tĩnh mạch, hoạt động tình dục và sinh nở.

3. Human Papillomavirus (HPV)

HPV là loại virus DNA nhỏ không có vỏ bọc, thường gây ra u nhú hoặc mụn cóc lành tính ở người. Nhiễm các type nguy cơ cao của papillomavirus ở người (HPV) trong thời gian dài có thể gây ra ung thư cổ tử cung.

Sau khi HPV lây nhiễm vào các tế bào biểu mô, tích hợp vào DNA của vật chủ, nó sản sinh ra oncoprotein (chủ yếu là E6 và E7) làm phá vỡ con đường ức chế khối u tự nhiên và gây ra tăng sinh các tế bào ung thư cổ tử cung

HPV còn gây ra các bệnh ung thư khác ở người như khối u ở đầu và cổ, ung thư da ở bệnh nhân bị ức chế miễn dịch, ung thư hậu môn,...

Ung thư cổ tử cung là nguyên nhân thứ hai gây tử vong do ung thư ở phụ nữ trên toàn thế giới, gây ra 240.000 ca tử vong hàng năm. Trong số khoảng 490.000 trường hợp được báo cáo mỗi năm, hơn 80% xảy ra ở các nước đang phát triển, nơi không có các chương trình sàng lọc phết tế bào cổ tử cung hiệu quả. Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm Pap hay Real-time PCR có thể giúp điều trị và chữa khỏi hiệu quả bằng liệu pháp phẫu thuật hoặc cắt bỏ. Trong trường hợp không sàng lọc hiệu quả, bệnh phát hiện muộn, không thể thực hiện phương pháp điều trị bằng phẫu thuật thì thì chỉ có thể thực hiện phương pháp truyền thống là hóa trị và xạ trị, sẽ gây ra nhiều độc tính và không mang lại phương pháp chữa trị lâu dài. 

                                  

                                           Hình: Các loại ung thư HPV gây ra (Nguồn: Medical News Today)

 

4. Virus Epstein-Barr (EBV) và virus herpes 8 ở người (HHV-8)

EBV và HHV-8 (còn được gọi là Kaposi sarcoma herpesvirus) đều là những loại virus herpes có bộ gen DNA sợi đôi. Giống như tất cả các loại virus herpes, chúng mã hóa các enzyme liên quan đến sao chép, sửa chữa DNA và sinh tổng hợp nucleotide. Cả hai đều có khả năng thiết lập độ trễ trong tế bào lympho B và kích hoạt lại vào chu trình lytic. Cả hai đều liên quan đến các khối u xuất hiện tự nhiên ở người.

EBV là một loại virus phổ biến được biết đến rộng rãi nhất vì là tác nhân chính gây ra bệnh bạch cầu đơn nhân nhiễm trùng. Ước tính có tới 95% người trưởng thành có huyết thanh dương tính và hầu hết các trường hợp nhiễm EBV đều ở dạng cận lâm sàng. EBV cũng liên quan đến một số bệnh ác tính: u lympho tế bào B và T, bệnh Hodgkin, bệnh tăng sinh lympho sau ghép tạng, ung thư bạch cầu và ung thư biểu mô vòm họng. Vị trí lây nhiễm chính là khoang hầu họng và EBV có khả năng lây nhiễm cả tế bào B, tế bào biểu mô và chuyển đổi giữa hai tế bào 

Năm 1994, DNA HHV-8 được xác định trong sinh thiết từ khối u của một bệnh nhân mắc bệnh sarcoma Kaposi, một bệnh ác tính tương đối hiếm gặp trước đại dịch AIDS. HHV-8 gây ra bệnh Castleman và bệnh ung thư hạch tràn dịch nguyên phát. 

 

5. Virus tăng bạch cầu lympho T ở người (HTLV)

HTLV là một retrovirus RNA sợi đơn, đã được phân lập và biết đến từ rất sớm. Chúng ít được chú ý đến và được ứng dụng trong sàng lọc trễ hơn HIV do biểu hiện gây bệnh của chúng không rõ và không dễ quan sát như HIV. 

Tuy nhiên, gần đây, nhiễm virus gây ung thư bạch cầu lymphô T người (HTLV) dần trở nên phổ biến, HTLV-I có liên quan đến bệnh ung thư tế bào T ở người lớn và một số bệnh về hệ thần kinh (2% - 4%) gây bệnh trên cá thể nhiễm virus. HTLV-II được cho rằng có liên quan đến một số bệnh ở tế bào lympho T, nhưng cơ chế gây bệnh vẫn đang được tìm hiểu. 

Hằng năm, uớc tính khoảng 20 triệu người trên toàn thế giới bị nhiễm HTLV-I. Tương tự như HIV, HTLV có thể lây nhiễm qua nhiều con đường như: từ mẹ sang con qua việc cho con bú, quan hệ tình dục, và tiếp xúc với máu bao gồm truyền máu và các sản phẩm máu bị nhiễm bệnh hoặc dùng chung bơm kim tiêm. Trong đó, nhiễm qua đường truyền máu chiếm tỷ lệ rất cao (40% - 60%) 

 

6. Merkel Cell polyomavirus (MCV):

Polyomavirus là những virus DNA sợi đôi, nhỏ (~5400 cặp base), không có vỏ bọc. 

Virus này có khả năng lây truyền qua da mà không có triệu chứng và có thể gây ra ung thư biểu mô tế bào Merkel (MCC). Đây là một loại ung thư da thần kinh nội tiết rất nguy hiểm. Mặc dù hiếm gặp nhưng tỷ lệ mắc bệnh được báo cáo đang gia tăng. MCC có liên quan đến việc tiếp xúc với tia cực tím và ảnh hưởng chủ yếu đến những bệnh nhân lớn tuổi và bị suy giảm miễn dịch.

 

Nguồn tham khảo:

1.  National Library Medicine:

 https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1994798/ 

2. Australian Cancer Research Foundation:

https://www.acrf.com.au/news/cancer-research-updates/viruses-and-cancer/ 

3. Bệnh viện truyền máu huyết học:

https://bthh.org.vn/10/nghien-cuu-tinh-hinh-nhiem-htlv-i-ii-tren-mau-nguoi-hien-mau-tai-benh-vien-truyen-mau-huyet-hoc-50685.html