Lang: ENG
Hotline: 028.6676.7762
icon-phone icon-mail icon-zalo

NHỮNG TAI NẠN THƯỜNG GẶP TRONG PHÒNG THÍ NGHIỆM? CÁCH PHÒNG TRÁNH VÀ KHẮC PHỤC

Phòng thí nghiệm dù là sinh học hay hóa học vẫn là nơi tiềm ẩn các mối đe dọa đến sức khỏe thể chất của người làm việc. Các sự cố gây tai nạn trong phòng thí nghiệm là không hề khó bắt gặp, từ các hóa chất cháy nổ, ăn da, chất gây đột biến,… đến các sự cố về điện, về thiết bị nhiệt,… Vì vậy người kỹ thuật viên cần thận trọng chuẩn bị cho các trường hợp caxầu có thể xảy ra để dễ dàng xử lý kịp thời. Dưới đây là một số tai nạn thường gặp trong phòng thí nghiệm mà kỹ thuật viên cần lưu ý.

Bỏng nhiệt

Để tạo môi trường vô trùng, tiệt trùng dụng cụ hay tạo điều kiện nhiệt cho phản ứng, người làm thí nghiệm thường sử dụng đèn cồn, đèn bunsen. Tuy nhiên, điều này cũng tạo nên rủi ro gây ra các trường hợp bỏng do đổ đèn hay vô tình để lửa dính vào quần áo, cơ thể. Khi bị bỏng nhiệt, da là vị trí bị tổn thương nhiều nhất sau đó đến các lớp sâu hơn như gân, cơ, khớp, xương, mạch máu, dây thần kinh… tùy vào mức độ nặng nhẹ. Nếu bị bỏng do lửa, cần dập lửa bằng cát, áo khoác hoặc bất cứ thứ gì có thể trùm kín lên ngọn lửa (lưu ý một số chất gây cháy không tan trong nước nếu như dùng nước để dập có thể làm lửa lan rộng ra). Sau khi dập lửa, tiến hành sơ cứu bằng cách rửa vết bỏng với nước mát sạch ít nhất 15 phút, tuyệt đối không dùng nước đá hoặc túi lạnh để chườm vì có thể làm vết bỏng nặng hơn.

Dùng băng gạc hoặc vải sạch che kín vết bỏng, nếu bị bỏng diện rộng hay vết bỏng nghiêm trọng thì sau khi sơ cứu cần nhanh chóng đưa người bị bỏng đến cơ sở y tế gần nhất.

Trong khuôn khổ sơ cứu không được phép rửa vết bỏng bằng cồn, hydroperoxyl hoặc các thuốc khác, cũng như không được dán cao, bôi dầu, mỡ hoặc rắc soda, tinh bột.

Bỏng do hóa chất

Tràn, đổ hóa chất hoặc phối hợp các hóa chất sai nguyên tắc sẽ rất dễ dấn đến các tai nạn. Chỉ cần một chút sơ ý là có thể có nguy cơ bị bỏng do hóa chất. Khi bị bỏng hóa chất cần phải được sơ cứu ngay lập tức. Hãy loại bỏ các hóa chất gây bỏng và đưa vết bỏng tới dưới vòi nước mát sạch trong vòng từ 10-20 phút. Trong trường hợp bị bỏng ở mắt do tiếp xúc với hóa chất, hãy rửa mắt với nước mát sạch liên tục ít nhất 20 phút.

Ngoài ra, quần áo hoặc đồ trang sức bị nhiễm hóa chất cũng cần được cởi bỏ. Sau đó dùng vải sạch hoặc băng khô đã được khử trùng để đắp lên vùng bị thương. Đối với bỏng hóa chất, dù vết thương quan sát có nghiêm trọng hay không cũng bắt buộc phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tiến hành kiểm tra và chữa trị trước khi tình trạng bỏng trở nên nặng hơn.

Ngộ độc hóa chất

Trong quá trình làm việc, việc vô tình hít, nuốt hay tiếp xúc phải các chất độc hại có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, hệ hô hấp, gan, cơ quan tiết niệu, DNA, …

Nhiễm độc cấp tính có thể xảy ra sau một thời gian ngắn tiếp xúc với hóa chất, dung môi hữu cơ, asen, chì, cyanua, thủy ngân, … có thể dẫn đến tử vong hoặc phục hồi nhưng có thể để lại thương tổn vĩnh viễn. Nhiễm độc mãn tính xảy ra sau một thời gian dài tiếp xúc lặp đi lặp lại với hóa chất. Do đó tác dụng của hóa chất có thể không ngay lập tức mà phải qua một khoảng thời gian. Thậm chí các triệu chứng ngộ độc không còn thì chưa chắc sức khỏe nạn nhân không còn bị đe dọa.

 Nếu nghi ngờ bị nhiễm độc, cần ngay lập tức ngừng các khả năng tiếp thêm chất độc vào cơ thể (ra khỏi khu vực nhiễm độc, loại bỏ chất độc khỏi da, niêm mạc, cởi bỏ quần áo,…). Nếu nạn nhân bất tỉnh, tê liệt, cần khôi phục lại các chức năng hoạt động của cơ thể và duy trì sự sống bằng cách hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim.

Điện giật

Đối với phòng thí nghiệm hay bất kỳ khu vực làm việc nào đều không thể thiếu sự có mặt của các thiết bị điện. Việc thiếu chú ý tới các ví trí điện hở hoặc các thiết bị rò rỉ điện tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn. Hậu quả của điện giật phụ thuộc vào khoảng thời gian tác dụng của dòng điện lên nạn nhân, vậy nên nhiệm vụ chính khi sơ cứu là đưa nạn nhân ra khỏi dòng điện càng nhanh càng tốt. Biện pháp tốt nhất là ngắt điện các thiết bị gây ra sự cố hoặc ngắt cầu giao tổng. Lưu ý nghiêm cấm dùng tay trần đụng vào cơ thể nạn nhân khi chưa ngắt điện. Sau khi đưa nạn nhân ra khỏi dòng điện cần kiểm tra mạch và hơi thở. Nếu nạn nhân còn thở và có mạch đập, cần đặt nạn nhân nằm ngửa quay đầu sang một bên để tránh bị sa lưỡi. Tiếp theo có thể rẩy nước lạnh hoặc cho ngửi bông tẩm amoniac để nạn nhân tỉnh lại. Sau khi nạn nhân tỉnh lại thì cho uống thuốc an thần và trà nóng.

 

Nếu nạn nhân thở yếu cần tiến hành hô hấp nhân tạo và xoa bóp tim. Nếu nạn nhân không thở và không có mạch, không được xem là nạn nhân đã tử vong mà phải lập tức hô hấp nhân tạo theo kiểu hà hơi thổi ngạt đồng thời xoa bóp tim. Việc cấp cứu cần liên tục, không kể thời gian cho đến khi nạn nhân có thể thở lại và mạch đập. Trong thời gian này cần gấp rút thông báo cho cơ quan y tế hỗ trợ.

Tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh, đối tượng vi sinh nguy hiểm

Đối với các phòng thí nghiệm liên quan đến y tế, sinh học, người làm thí nghiệm có thể dễ dàng bị nhiễm các tác nhân gây bệnh từ mẫu vướng lên cơ thể nếu như bảo hộ sơ sài. Trong trường hợp này, cần nhanh chóng tiệt trùng cơ bản bằng cồn vị trí bị dính phải mẫu bệnh và những vùng xung quanh đó. Sau đó lập tức vệ sinh toàn bộ cơ thể bằng xà phòng diệt khuẩn, trang phục được mang khi làm thí nghiệm phải nhanh chóng xử lý tiệt trùng toàn bộ và có thể loại bỏ nếu cần thiết. Nếu là tác nhân nguy hiểm và có thể lây nhiễm qua nhiều con đường, cần đến cơ sở y tế để kiểm tra chẩn đoán các vấn đề liên quan đến tác nhân đó trong một khoảng thời gian sau khi gặp sự cố.

Biện pháp phòng tránh

Để giảm thiểu tới mức thấp nhất các ảnh hưởng, cũng như ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trong quá trình làm việc tại phòng thí nghiệm, cần tuân thủ các nguyên tắc dưới đây nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người.

  • Không hút thuốc lá hay ăn uống trong phòng thí nghiệm.
  • Mặc trang phục gọn gàng theo quy định phòng thí nghiệm, để tóc gọn gàng, đeo khẩu trang, găng tay và kính bảo hộ khi thực hiện thí nghiệm.
  • Cần nắm rõ phương pháp trước khi thực hiện một thí nghiệm.
  • Ngắt nguồn điện các thiết bị khi sử dụng xong.
  • Hóa chất sau khi sử dụng phải đậy kín và trả về vị trí ban đầu. Không để hóa chất chạm vào da, mắt, tóc hay quần áo. Đổ bỏ hóa chất theo quy định.
  • Không hút các hóa chất bằng miệng.
  • Tiệt trùng nơi làm việc sau khi thao tác với các tác nhân vi sinh.
  • Kiểm tra toàn bộ phòng thí nghiệm trước khi làm việc và sau khi hoàn thành công việc.

Trên đây là một số nguyên tắc chung cần tuân thủ, các phòng thí nghiệm cần xem xét tính chất của các thí nghiệm mà phòng đảm nhiệm để đặt ra thêm các nguyên tắc làm việc phù hợp nhằm đảm bảo an toàn cho phòng thí nghiệm và kỹ thuật viên.

 

Bài viết khác

Các loại virus thường gặp gây ung thư ở người

Các loại virus thường gặp gây ung thư ở người

Năm 2002, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính khoảng 18% bệnh ung thư ở người là do nhiễm virus gây ra và phần lớn là...