COVID-19 đã gây ra nhiều ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế cũng như sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận vào cả hai mặt của vấn đề, những thử thách mà COVID-19 mang đến đã tạo cơ hội cho việc sáng tạo và tiếp cận những công nghệ tiên tiến. Tháng 6/2021, lần đầu tiên 5 container xét nghiệm di động COVID-19 được triển khai tại Việt Nam. Dù không phải là quốc gia đầu tiên triển khai mô hình phòng xét nghiệm di động, nhưng với tốc độ triển khai và hiệu quả mà nó mang lại đã chứng minh được khả năng học hỏi và phát triển khoa học kỹ thuật trong nước.
Phòng xét nghiệm PCR di động (Integrated mobile container PCR laboratory – IMCPL) được nghiên cứu và đưa vào sử dụng đầu tiên tại Trung Quốc, đây là một phòng PCR tiêu chuẩn được tích hợp trong một container và có thể nhanh chóng lắp đặt tại bất kỳ địa điểm nào để thực hiện chẩn đoán quy mô lớn.
Có hai đặc điểm chính của IMCPL làm cho đơn vị y tế này phù hợp hơn để phát hiện chẩn đoán so với các phòng xét nghiệm truyền thống trong trường hợp khẩn cấp. Đầu tiên, thiết bị IMCPL cực kỳ chắc chắn và cơ động, nó có thể dễ dàng được vận chuyển bằng xe container và sơ mi rơ moóc. Thứ hai, IMCPL có thể được lắp đặt nhanh chóng tại bất kỳ vị trí thuận tiện nào trong hầu hết các trường hợp và với thời gian ngắn.
Quy trình thực hiện xét nghiệm trong IMCPL hầu như tương tự với các phòng xét nghiệm truyền thống. Mẫu bệnh phẩm sẽ được nhận thông qua passbox, mẫu sẽ được khử nhiễm bên trong passbox trước khi đưa vào phòng thí nghiệm. Sau khi nhận mẫu, kỹ thuật viên sẽ có trách nhiệm nhập thông tin mẫu, sau đó sẽ chia mẫu trong tủ an toàn sinh học cấp hai. Một phần mẫu được sử dụng ngay cho quy trình xét nghiệm và phần còn lại được bảo quản trong tủ âm cho mục đích khác hoặc để kiểm tra lại
Để đảm bảo chất lượng xét nghiệm, mẫu sẽ tiếp tục được tách chiết trong tủ an toàn sinh học cấp hai. Tủ an toàn này có một bộ pipet riêng để thao tác. Kỹ thuật viên có thể sử dụng các bộ kit phù hợp để tách chiết DNA/RNA và thực hiện theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
DNA/RNA sau khi được tách chiết sẽ được thực hiện phản ứng Realtime – PCR. Các thuốc thử cho phản ứng được chuẩn bị theo đúng quy trình tại khu vực pha thuốc thử riêng và sẽ được chuyển đến khu vực đặt phản ứng chung với DNA/RNA đã tách chiết. Sau đó các hỗn hợp này được chuyển đến khu vực đặt thiết bị Real-time PCR để tiến hành phản ứng.
Như ta thấy, quy trình xét nghiệm trong IMCPL hầu như tương đồng với quy trình tại phòng xét nghiệm truyền thống. Nhưng IMCPL lại có lợi thế về sự cơ động, có thể ngay lập tức di chuyển đến những “điểm nóng” của dịch bệnh trong trường hợp khẩn cấp. Vậy nên IMCPL có thể được sử dụng như một lực lượng dự phòng cho các chương trình y tế và phòng chống dịch bệnh. Trong một số trường hợp, IMCPL có thể được sử dụng kết hợp với các phòng thí nghiệm y tế địa phương để loại bỏ các “điểm mù” ở các khu vực có dịch.
Xem thêm: << VAI TRÒ CỦA NHÂN VIÊN ỨNG DỤNG TRONG CÔNG TY THƯƠNG MẠI >>
<< CÔNG NGHỆ CRISPR/CAS9 – CƠ CHẾ TỰ SỬA CHỮA CỦA TẾ BÀO CỦA HỆ THỐNG CRISPR>>
Bài viết khác
Các loại virus thường gặp gây ung thư ở người