Nông nghiệp được đánh giá là một trong những ngành kinh tế quan trọng nhất ở Việt Nam. Ngoài việc phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước,Việt Nam còn là nước có lượng nông sản xuất khẩu hàng đầu trên thế giới. Việc áp dụng các giải pháp bao gồm cả ứng dụng Công nghệ sinh học giúp tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm. Từ đó có thể xem việc ứng dụng Công nghệ sinh học vào nông nghiệp như là một bước đệm cho sự phát triển kinh tế.
Từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, công nghệ sinh học được xem là 1 trong 4 hướng công nghệ cần ưu tiên phát triển phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trên cơ sở đó, các đề án, chương trình về công nghệ sinh học cấp quốc gia và ở nhiều bộ, ngành, địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp đã, đang được xây dựng và triển khai thực hiện. Quay lại thời điểm hiện tại, vào đầu năm 2023, Nghị quyết về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học của Bộ Chính trị yêu cầu tập trung xây dựng công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng phục vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, một trong những mục tiêu phát triển công nghệ sinh học nông nghiệp của Việt Nam trong những năm tiếp theo là tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, có sức chống chịu điều kiện tốt, phục vụ hiệu quả cho nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản.
Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ sinh học trong ngành trồng trọt thường được thực hiện thông qua các kỹ thuật tiên tiến điển hình như: kỹ thuật nuôi cấy mô và kỹ thuật di truyền. Đối với kỹ thuật nuôi cấy mô thực vật hay còn gọi là kỹ thuật nhân giống in vitro, là kỹ thuật nhân giống vô tính trong phòng thí nghiệm. Với ưu điểm có thể nhân bản số lượng lớn cây con trong thời gian rất ngắn, kỹ thuật này ngày càng phát triển mạnh, thành công trên nhiều đối tượng cây trồng khác nhau, bao gồm cả cây lương thực, cây ăn trái và cây cảnh.
Bên cạnh đó, kỹ thuật di truyền cũng được ứng dụng khá phổ biến trong việc chọn tạo giống tại Việt Nam. Từ khá lâu thì người ta đã áp dụng ưu thế lai vào việc lai tạo và chọn giống cây trồng, nhằm tuyển chọn ra cây trồng vượt trội về năng suất cũng như khả năng chống chịu. Hiện nay, với các nghiên cứu mới trong lĩnh vực di truyền, ngoài việc lai tạo giống truyền thống, cây trồng còn được áp dụng các kỹ thuật chuyển gen và biến đổi gen. Tuy còn nhiều tranh cãi về các sản phẩm biến đổi gen, tuy nhiên không thể phủ nhận hiệu quả mà kỹ thuật này đem lại. Với cơ chế hỗ trợ ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, năm 2015 chính phủ đã chính thức cho phép canh tác ngô biến đổi gen tạo ra thêm lựa chọn cho nông dân trồng ngô trong ứng dụng các giống mới chống chịu sâu bệnh và kháng thuốc trừ cỏ tốt hơn, từ đó giúp bà con nông dân cải thiện thu nhập và thói quen canh tác thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, công nghệ sinh học cũng được ứng dụng để sản xuất các chế phẩm sinh học như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,… Nhiều chế phẩm thuốc bảo vệ thực vật sinh học được ứng dụng rộng rãi để trừ sâu khoang, sâu xanh hại rau, màu, bông, đay, thuốc lá. Những chế phẩm này giúp người nông dân hạn chế tác hại của sâu bệnh, chuột, … và cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm.
Tháng 6/2022, Việt Nam tự hào trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới nghiên cứu, sản xuất thành công vaccine ngừa dịch tả lợn châu Phi và được cấp phép lưu hành thương mại. Sau hơn 100 năm kể từ khi dịch tả lợn châu Phi được phát hiện, với hàng nghìn nghiên cứu về virus và vaccine, việc vaccine của Việt Nam được cấp phép lưu hành đã chứng minh sự phát triển của công nghệ sinh học của Việt Nam có thể vươn đến tầm thế giới. Cùng với thành tựu này, ngành chăn nuôi cũng đã tiêm được khoảng 650.000 liều vaccine dịch tả lợn châu Phi cho trên 40 tỉnh thành, đáp ứng miễn dịch trên 93%.
Không dừng lại ở đó, hiện nay một số nhà sản xuất của Việt Nam cũng đã nghiên cứu và đưa ra thị trường các bộ kit xét nghiệm thú y. Bao gồm các loại tác nhân gây bệnh trên thủy sản như WSSV, EHP, YHV, IHHNV,… các tác nhân gây bệnh trên gia súc như AFSV, CSFV, H1N1, FMDV,… hay cả trên vật nuôi gia đình như Ehrlichia, Babesia, CDV,… Qua đó hỗ trợ tích cực cho quá trình kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi, đồng thời cũng giúp giảm bớt thời gian đánh giá các sản phẩm chăn nuôi trước khi xuất khẩu.
Tương tự trong ngành trồng trọt, các kỹ thuật di truyền cũng được nghiên cứu để ứng dụng cho ngành chăn nuôi. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ di truyền trên gia súc chưa mang lại nhiều kết quả so với trên cây trồng. Như trong kỹ thuật chuyển gen để tạo ra những sinh vật biến đổi gen (GMO), đã có nhiều cây trồng biến đổi gen (GMP) được đưa vào sản xuất đại trà như lúa, bắp, đậu nành… nhưng chưa có vật nuôi biến đổi gen (GMA) được đưa ra sản xuất, trừ một số trường hợp dùng GMA để sản xuất dược phẩm cho ngành Y tế. Dẫu vậy, các kỹ thuật sinh sản vẫn được áp dụng khá phổ biến, mục đích trực tiếp là nhằm cải thiện khả năng sinh sản của gia súc, từ đó gián tiếp giúp tăng năng suất, tăng tốc độ cải thiện di truyền và kiểm soát hiệu quả việc lây lan mầm bệnh qua sinh sản. Các kỹ thuật bao gồm: kỹ thuật thụ tinh nhân tạo (Al), kỹ thuật gây đa xuất noãn và cấy chuyển phôi (MOET), kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), kỹ thuật xác định giới tính của phôi (SE), kỹ thuật nhân bản vô tính (Cloning)…
Đồng thời công nghệ sinh học cũng được áp dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi để tăng tính khả dụng và hiệu quả của sản phẩm. Ngoài việc cải tiến công nghệ bảo quản, các hoạt chất như enzyme, probiotic, protein đơn bào, kháng sinh… đã được thêm vào trong thức ăn gia súc hay các chất hỗ trợ quá trình trao đổi chất cũng được sử dụng như rBST (recombinanat Somatotropin).
Cùng với xu hướng phát triển chung về công nghệ sinh học và việc ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp trên thế giới, Việt Nam đã chủ động xây dựng các chiến lược tổng thể để tiếp cận, đi trước đón đầu, đồng thời tự chủ trong quá trình nghiên cứu, phát triển công nghệ sinh học nông nghiệp. Và với những thành tựu đạt được cho việc phục vụ sản xuất nông nghiệp đã cho thấy tiềm năng đáng kể của các giải pháp công nghệ sinh học trong việc góp phần tăng năng suất, đảm bảo an ninh lương thực cũng như phát triển kinh tế quốc gia và tăng thu nhập cho người nông dân tại Việt Nam.
Tham khảo
Học viện Nông nghiệp Việt Nam
VTV
CropLife Việt Nam
Xem thêm: <<TOP 10 ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ SINH HỌC HÀNG ĐẦU NĂM 2023>>
Bài viết khác
Các loại virus thường gặp gây ung thư ở người