Lang: ENG
Hotline: 028.6676.7762
icon-phone icon-mail icon-zalo

HỌC CÔNG NGHỆ SINH HỌC RA TRƯỜNG LÀM GÌ?

Trong thời gian qua, toàn thế giới đang chú tâm hơn đến việc khai thác tiềm năng của ngành Công nghệ Sinh học để chạy đua với tốc độ phát triển của dịch bệnh nói riêng, cũng như những vấn đề thiết yếu của xã hội nói chung. Đối với Việt Nam, Chính phủ cũng đặt mục tiêu là nước có nền công nghệ sinh học phát triển trên thế giới trong tương lai. Qua đó có thể thấy Ngành Công nghệ Sinh học đang trở thành trong những ngành đào tạo được chú trọng. Tuy nhiên, vì là một ngành khoa học khá mới mẻ ở trong nước, những cá nhân đã, đang và sẽ theo đuổi ngành khoa học này cũng gặp phải nhiều khó khăn trong việc định hướng việc làm. Và nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi rằng: “Học Công nghệ Sinh học có thể làm những công việc gì?”

 

   Để trả lời câu hỏi trên thì chúng ta cần biết được ngành Công nghệ Sinh học là gì và tổng quan về việc đào tạo ngành Công nghệ Sinh học tại Việt Nam như thế nào. Như cái tên Công nghệ Sinh học, ngành khoa học này là sự kết hợp giữa sinh học và công nghệ, vận dụng các nguyên lý sinh học đã được nghiên cứu và ứng dụng công nghệ để tạo ra những sản phẩm hữu ích phục vụ cho con người. Là ngành mang tính thực tiễn cao, các giải pháp Công nghệ Sinh học có thể áp dụng cho nhiều lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi, thực phẩm, phụ gia, chẩn đoán, dược phẩm hay năng lượng…

     Nắm rõ được tiềm năng thực tiễn của ngành này, hiện đã có khoảng 50 trường Đại học ở Việt Nam triển khai đào tạo ngành khoa học này. Tuy nhiên, mỗi trường Đại học lại có thế mạnh riêng ở từng nhóm chuyên ngành khác nhau như Công nghệ Sinh học Nông nghiệp, Công nghệ Tế bào, Y Sinh,… Vậy nên đối với học sinh đang muốn theo đuổi ngành Công nghệ Sinh học, cần tham khảo kỹ về lĩnh vực thế mạnh cũng như hệ thống phòng thí nghiệm, hệ thống khoa, phòng và hệ thống bộ môn đào tạo của từng trường để có thể có hướng đi tốt nhất trong quá trình đào tạo đại học.

 Quay lại câu hỏi trước, vậy thì sau khi ra trường, các cử nhân hay kỹ sư Công nghệ Sinh học có thể làm những công việc gì?

 Đầu tiên, các bạn sinh viên có thể lựa chọn con đường theo đuổi học bổng trở thành nghiên cứu sinh và sau đó hướng đến công việc giảng viên trong các trường đại học hoặc có thể tiếp tục với công việc nghiên cứu tại các trung tâm khoa học công nghệ và viện nghiên cứu. Với những ai có định hướng ở chuyên ngành Y sinh, có thể lựa chọn các công việc tại khối cận lâm sàng. Ví dụ như chuyên viên tại các phòng xét nghiệm hay phòng thí nghiệm vi sinh, sinh học phân tử của bệnh viện hoặc trung tâm y tế dự phòng (CDC), các phòng thí nghiệm tế bào/tế bào gốc hay phòng thí nghiệm của những trung tâm hỗ trợ sinh sản. hay tại các trung tâm di truyền tư nhân.

  Lĩnh vực nông nghiệp cũng là một lựa chọn cho sinh viên. Các trung tâm nông nghiệp công nghệ cao đang được đẩy mạnh phát triển, tại đây các chuyên viên có thể thực hiện các phương pháp chọn giống, nhân giống trong ống nghiệm hay các hệ thống canh tác hiện đại. Hoặc lựa chọn làm việc ở lĩnh vực Đa dạng di truyền như tham gia các trung tâm nghiên cứu về Đa dạng Sinh học, các trung tâm Bảo tồn sinh thái, động thực vật,…

 Ra khỏi các lĩnh vực y tế và nông nghiệp, sinh viên ngành Công nghệ Sinh học có thể làm việc ở vị trí nhân viên sản xuất, tham gia vận hành hệ thống và dây chuyền sản xuất quy mô lớn. Ví dụ như các nhà máy sản xuất dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm… Hoặc làm việc tại phòng kiểm định nhằm đánh giá chất lượng đầu ra của sản phẩm.

Một lựa chọn nữa cho các sinh viên Công nghệ Sinh học đó là làm việc ở những công ty cung ứng vật tư, hóa chất, trang thiết bị phòng thí nghiệm. Có nhiều vị trí công việc có thể lựa chọn tại những công ty này như Nhân viên Kinh doanh, Nhân viên Ứng dụng, Nhân viên Marketing,… Ở Việt Nam, hiện đã có nhiều công ty có định hướng phát triển về lĩnh vực này với nhiều hình thức như tự sản xuất hoặc nhà phân phối, đại lý. Điển hình như Công ty Cổ phần Công nghệ TBR, Công ty Giải pháp Y sinh ABT,…

     Trong thời gian tới, cơ hội việc làm của sinh viên ngành Công nghệ Sinh học tại Việt Nam sẽ phần nào được cải thiện. Tuy nhiên, Công nghệ Sinh học là một ngành bao gồm đa dạng nhiều lĩnh vực, vậy nên các bạn sinh viên cần sớm xác định rõ định hướng trong tương lai, để từ đó có thể lựa chọn chuyên ngành đào tạo phù hợp nhất với nhu cầu công việc của bản thân. Qua những thông tin mà Công ty Cổ phẩn Công nghệ TBR đã đưa ra ở trên, mong rằng các bạn đã, đang và sẽ theo đuổi ngành Công nghệ Sinh học có thể tìm thấy hướng đi đúng đắn cho mình trên con đường phát triển sắp tới.

Bài viết khác

Các loại virus thường gặp gây ung thư ở người

Các loại virus thường gặp gây ung thư ở người

Năm 2002, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính khoảng 18% bệnh ung thư ở người là do nhiễm virus gây ra và phần lớn là...